Vị thần chính được thờ ở đền Cửa Ông là Đức Ông Đệ Tam hay Trần Quốc Tảng, con trai thứ ba của Trần Hưng Đạo, hiệu là Hùng Nhượng Vương. Ông có tài đánh trận nhưng tính ham mê cờ bạc khiến cha ông không hài lòng, đày ông ra Cửa Suốt, tỉnh Quảng Ninh, làm nghề gác cảng. Ông trấn thủ vùng đất này, yên dân, ngăn chặn âm mưu xâm lược của quân Nguyên. Người dân nơi đây kính cẩn gọi ông là Đức ông, đền còn được gọi là đền Đức Ông.
Vị thần chính được thờ ở đền Cửa Ông là Đức Ông Đệ Tam hay Trần Quốc Tảng, con trai thứ ba của Trần Hưng Đạo, hiệu là Hùng Nhượng Vương. Ông có tài đánh trận nhưng tính ham mê cờ bạc khiến cha ông không hài lòng, đày ông ra Cửa Suốt, tỉnh Quảng Ninh, làm nghề gác cảng. Ông trấn thủ vùng đất này, yên dân, ngăn chặn âm mưu xâm lược của quân Nguyên. Người dân nơi đây kính cẩn gọi ông là Đức ông, đền còn được gọi là đền Đức Ông.
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU
Đền Cửa Ông nằm trên ngọn đồi cao gần 100m, nhìn ra vịnh Bái Tử Long, là một trong những di tích lịch sử văn hóa nhà Trần, nơi thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, người có công trấn ải vùng Đông Bắc, đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII.
Đền còn là nơi thờ phụng gia thất Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các danh tướng tài ba đời Trần: Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão…
Quần thể đền Cửa Ông. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Địa hình ở đền Cửa Ông là dải thung lũng hẹp chạy dài theo đường 18, nằm giữa hai dãy đồi núi cao. Từ xưa, đường bộ đi qua Cửa Ông là con đường độc đạo đi ra vùng biên giới phía Đông Bắc. Cửa Ông như cái yết hầu nối miền Đông trập trùng đồi núi với vùng mỏ giàu có và miền Tây rộng lớn.
Cuộc thi têm trầu cánh phượng. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Các cuộc chinh phạt của phương Bắc, hay các triều đại phong kiến điều binh ra miền biên giới Đông Bắc đều đi qua Cửa Ông. Vì thế nơi đây có một đồn binh để trấn giữ. Phía Nam Cửa Ông là vịnh Bái Tử Long, vùng biển trù phú và tạo cho nơi đây lợi thế về cảng biển.
Cuộc thi kéo co. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Với vị trí và địa hình thuận lợi để xây dựng cảng biển, từ xa xưa nơi đây đã là bến thuyền giao thương từ đồng bằng sông Hồng với vùng Đông Bắc Việt Nam và Đông Nam Trung Quốc. Bến thuyền Cửa Ông thời ấy gọi là Cửa Suốt.
Đoàn múa rồng trong lễ hội. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Đền Cửa Ông không chỉ có giá trị lịch sử to lớn, mà còn mang giá trị nghệ thuật, văn hoá sâu sắc. Toàn cảnh khu đền được bố trí trên các ngọn đồi thấp, đan xen dưới những bóng cây cổ thụ, tạo nên phong cảnh tĩnh mịch và trang nghiêm.
Cửa vào đền. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Đền được xây bằng: đá đúc, gạch Bát Tràng, vữa hồ pha mật, gạch lát nền bằng đất sét nung, ngói mũi đất nung… Trang trí theo các điển tích: Long, Ly, Quy, Phượng. Phần trong nhà đền xây bằng các loại gỗ bền, đẹp: đinh, lim, trắc, gụ. Khung nhà được dựng theo lối: kèo, cầu, dường, trụ… trên đó khắc hoạ các bức phù điêu, bức trướng, câu đối… và các hoa văn được sơn son, thếp vàng.
Đền thu hút khách thập phương. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Du khách đến với khu di tích đền sẽ tham quan 3 khu vực chính là đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, được phân bố ở ba vị trí khác nhau. Đền Hạ nằm ở phía dưới thờ Mẫu; đền Thượng gồm đền chính thờ Trần Quốc Tảng, đền Quan Châu, đền Quan Chánh…
Lễ rước Đức Ông. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Hiện nay, đền còn lưu giữ 34 pho tượng lớn nhỏ đã được các nghệ nhân chạm trổ công phu, với tư thế ngồi trong ngai, khám, long đình rất cân đối, mang giá trị nghệ thuật cao.
Tượng thờ tại đền Cửa Ông. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Lễ hội đền Cửa Ông được tổ chức vào 2 dịp 3, 4 tháng 2 và ngày 3, 4 tháng 8 âm lịch hàng năm. Lễ hội có 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm lễ xin mở hội đền tại đền Thượng. Sau đó diễn ra lễ dâng hương xin rước Đức Ông vi hành từ 6h – 6h30 tại đền Thượng.
Đông đảo du khách tham quan đền. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Lễ hội chính là lễ rước kiệu Đức Ông và các nhân thần vi hành khu an ngự. Phần hội gồm chương trình nghệ thuật và các trò chơi dân gian phổ biến trong vùng.
Lễ hội đền. Ảnh: Thương hiệu và Pháp luật.
Các hoạt động trong lễ hội đền Cửa Ông sẽ tái hiện lịch sử, công lao to lớn của các bậc khai quốc công thần, những người có công với nước và với nhân dân. Đây cũng là dịp thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy lòng tự hào dân tộc ở mỗi người.
Bên cạnh đó, lễ hội cũng là dịp để quảng bá những giá trị tiêu biểu của di tích quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông. Đồng thời, sự kiện này có vai trò quan trọng trong việc góp phần phục hồi, thu hút khách du lịch đến với thành phố Cẩm Phả nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.